2 lí do xin việc có thể khiến bạn rớt ngay tại vòng phỏng vấn

2-li-do-xin-viec-co-the-khien-ban-rot-ngay-tai-vong-phong-van

Trong các buổi phỏng vấn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều có những câu hỏi quen thuộc để mở đầu cuộc trò chuyện và câu hỏi “Vì sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?” nằm trong số đó. Cũng chính vì lẽ đó mà những câu trả lời được đưa ra cũng không có nhiều khác biệt. Bạn nên cẩn trọng với những lí do mà mình đưa ra vì biết đâu việc thành thật với nhà tuyển dụng có thể mang lại những tác dụng không mong muốn. Bạn nên hạn chế đưa ra 2 lí do sau đây:

1. Ứng tuyển vì muốn học hỏi kinh nghiệm

Đây là câu trả lời phổ biến được nhiều ứng viên lựa chọn và thực sự nó phổ biến đến mức nhàm chán. Có thể “ham học hỏi” là điều mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên, tuy nhiên, đối với những nhà tuyển dụng khó tính (đặc biệt trong các công ty Nhật) thì câu hỏi họ đặt ra nhằm xác định động cơ ứng tuyển của bạn, họ muốn biết bạn sẽ đóng góp, cống hiến được gì cho công ty chứ không phải bạn học được gì và học nhanh đến mức độ nào. Họ cho rằng “Công ty không phải là trường học”, bạn được tuyển vào để bắt tay ngay vào việc chứ không phải để nghe họ giảng giải rồi ghi chép. Ngoài ra, câu trả lời “học hỏi kinh nghiệm” cũng khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ khả năng gắn bó của bạn, có phải bạn sẽ rời đi khi kinh nghiệm đã đủ? Bạn không nên hô hào tinh thần ham học hỏi của mình mà nên cố gắng trau dồi và nâng cao năng lực bản thân, hãy quảng bá niềm đam mê và nguyện vọng được cống hiến và nỗ lực vì công ty.

2. Ứng tuyển vì lương cao và chế độ đãi ngộ tốt

Tuy rằng mức lương cao là một trong những yếu tố thu hút được nhiều ứng viên nộp đơn vào vị trí tuyển dụng và bạn cũng là người quyết định ứng tuyển chỉ vì mức lương vô cùng hấp dẫn nhưng thật là không khôn ngoan khi bạn phơi bày lí do này ra trước nhà tuyển dụng. Nếu chỉ vì những lí do thuộc về vật chất thì bạn sẽ dễ dàng rời bỏ công việc ngay khi có những lời đề nghị khác tốt hơn. Cho dù nhà tuyển dụng có thân thiện và tỏ ra gần gũi đến như thế nào, bạn cũng nên cảnh giác và cẩn trọng khi đưa ra phát ngôn. Bạn nên xoáy câu trả lời của mình vào ước mong được góp phần phát triển công ty, bạn cảm thấy đồng cảm với những giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến thay vì trả lời bạn bị kích thích bởi mức lương và những chế độ đãi ngộ.

Leave a comment